Nuôi con thông minh khỏe mạnh là cả quá trình thận trọng, ngay từ việc lên kế hoạch nuôi dạy và lớn lên cùng con. Tuy nhiên rất nhiều ba mẹ đã có những hướng đi đúng, đã bắt được hình hài của việc nuôi dạy con khỏe mạnh, tự lập và thông minh nhưng có lúc con vẫn rất sợ hãi ba mẹ. Vậy ba mẹ có biết con sợ nhất điều gì ở ba mẹ không? Làm thế nào để khắc phục vấn đề này?
Cha mẹ nổi cáu với con
Trẻ nhỏ cũng giống như những cây bút sáp màu, xinh đẹp mềm mại, nhưng có đôi lúc lại cũng rất ương bướng đùa giỡn quá trớn. Hoặc cũng có đôi lúc trẻ không nghe lời, không thực hiện ngay những công việc cần thiết mà ba mẹ yêu cầu. Sau cả ngày dài làm việc mệt mỏi, với một búi rối tung của công việc và nỗi lo cơm áo gạo tiền, trong những tình huống như vậy, ba mẹ thường khó kiềm chế, cảm xúc lập tức bùng nổ bằng tiếng quát giận dữ.
Trẻ sẽ rất sợ hãi, và khi sợ hãi trẻ sẽ tạm thời không có những hành vi khiến cha mẹ phiền lòng, và có thể trẻ sẽ tạm quên sau khi ba mẹ đã làm lành với trẻ. Tuy nhiên, khi việc này xảy ra ba mẹ sẽ nhận thấy những biểu hiện sau ở con:
– Sợ hãi ngây người, đứng sững sờ không dám nhúc nhích.
– Òa khóc lớn lên, không chịu làm bất cứ gì hoặc nhất nhất làm theo yêu cầu của ba mẹ.
– Sau đó trẻ cũng có thể sao chép lại biểu hiện của cha mẹ, cũng hung hăng giận dữ và phản ứng thái quá khi tức giận.
Trẻ nhỏ rất mẫn cảm đối với tâm tình của ba mẹ, nhưng lại chưa thể hiểu được vì sao ba mẹ lại giận dữ với mình, không biết mình đã làm gì sai. Giận dữ sẽ giúp trẻ ngoan hơn vào lúc đó,nhưng khi cha mẹ giận dữ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hành vi cảm xúc của con.
Đương nhiên, mỗi bậc làm cha làm mẹ sẽ luôn nhắc nhở bản thân không nên có thái độ giận dữ với con, nhưng trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta không thể kiềm chế hoàn toàn thì khi đó ba mẹ nên giải thích cho trẻ vì sao mình tức giận, và yêu cầu lần sau không làm như vậy nữa. Đồng thời, cha mẹ cũng cần thông qua hành động của mình để cho con cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương.
Và nếu có thể hãy phát ra lời cảnh báo trước với con “ Mẹ đang rất giận, con dừng lại được không” hoặc “ Tâm trạng mẹ đang không tốt, tốt nhất con đừng làm vậy” rồi dành 2 phút để ngồi xuống giải thích vì sao mình giận, vừa là cách để trẻ hiểu ba mẹ vừa kiềm chế lại cơn giận đang bùng phát. Và luôn nhớ một nguyên tắc, điều gì đáng nghiêm khắc với con vẫn cần tiếp tục nghiêm khắc.
Cha mẹ không giữ chữ tín
Hầu hết, nếu như không muốn nói đến toàn bộ cha mẹ đều đồng ý đánh đổi một vài điều kiện với con, nhưng khi con hoàn thành yêu cầu ba mẹ không giữ lời hứa. Trẻ nhỏ rất ghét việc không giữ lời, và đương nhiên qua nhiều lần như vậy thì chữ tín của ba mẹ trong suy nghĩ của trẻ giảm đi rất nhiều.
Điều này ảnh hưởng hoàn toàn không tốt đối với sự trưởng thành của trẻ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này. Chúng nhận thấy rằng, ngay cả những người thân của mình cũng có thể không chịu trách nhiệm với lời hứa của mình, như vậy chính đứa trẻ cũng có thể hình thành thói quen xấu như không giữ lời hứa hoặc xem nhẹ lời hứa.
Trước khi đáp ứng hứa hẹn với con, bạn cần chắc chắn mình thực hiện được lời hứa đó với con thì hãy đồng ý. Nhưng cũng như ở điều 1, bạn không nên thỏa hiệp điều kiện với những điều trái những nguyên tắc bắt buộc đã đặt ra.
Chỉ trích con trước mặt người khác
Câu chuyện làm quà là thói quen phổ biến của người Việt Nam, và trong các cuộc gặp gỡ, đề tài con cái thường hay được nhắc đến nhiều nhất. Có rất nhiều cha mẹ thường ở trước mặt mọi người vạch trần các khuyết điểm của con, hoặc răn dạy con ngay khi có mặt người lạ.
Điều này khiến đứa trẻ tự ti, cảm thấy bản thân mình vô dụng, làm cái gì cũng không tốt, không được công nhận, cảm thấy xấu hổ và từ đó sẽ nảy sinh những tâm lý xa lánh mọi người.
Chúng ta luôn yêu cầu người khác tôn trọng mình, thì cũng cần tôn trọng trẻ. Việc khuyết điểm của con, con nhận ra và đang nỗ lực từng ngày, cần được mẹ công nhận. Những lời răn dạy là chuyện gia đình, chuyện của hai mẹ con, vì không có ai thích tìm hiểu bạn răn dạy con như thế nào, vậy nên tốt nhất để không làm phiền người khác và để tôn trọng con ở nơi đông người, việc chỉ trích con hãy làm ở nhà.
3 việc nêu trên là những việc cơ bản nhất và dễ mắc nhất của ba mẹ khiến con trẻ sợ hãi. Trong mắt con trẻ, ba mẹ nên là người yêu thương chúng nhất, khoan dung và thoải mái nhất, mang đến không khí gia đình hạnh phúc, ấm áp, tràn ngập yêu thương và sự sống nhất. Hãy để trẻ tin tưởng vào điều này, và lấy đó làm nền tảng hạnh phúc lớn lên, mang đến những nhân cách đẹp cho đời sống xã hội.