Khi vừa chào đời, mặc dù không thể nói chuyện đươc nhưng con của bạn lại có những hình thức giao tiếp đặc trưng khác. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có thể hiểu được những thông điệp ấy từ trẻ…!
Khóc là một trong những hình thức giao tiếp đầu tiên của trẻ với thế giới xung quanh thông qua âm thanh.
Ngay khi trẻ vừa được 4 tuần tuổi thì tiếng khóc của trẻ đã có nhiều sự khác biệt mà đôi khi người lớn chúng ta nếu không tinh ý sẽ khó nhận diện được. Trẻ khóc có thể là do cảm thấy đói bụng, bị ướt, đau, thậm chí là để thể hiện trẻ nhớ mẹ. Trong một vài tháng kế tiếp, trẻ cũng bắt đầu phát ra những âm thanh ríu rít để thể hiện sự hài lòng với một sự việc nào đó.
Đặc biệt là lúc trẻ ở giai đoạn từ 3-4 tháng tuổi, trẻ sẽ dần nhận ra rằng khi trẻ tạo ra tiếng động, mọi người sẽ đáp trả lại.
Khi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ lúc đó đáp ứng với tiếng khóc của trẻ, thì đứa trẻ sẽ bắt đầu tin tưởng vào cách thức truyền thông tin, cách thức giao tiếp đó của mình do lúc đó nhu cầu hay mong muốn của trẻ đã được thực hiện. 6 tháng tiếp theo đó, trẻ sẽ bập bẹ bắt chước theo ngôn ngữ của cha mẹ mình và những người chăm sóc khác.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể hiểu được những từ ngữ của người lớn nếu không có ngữ cảnh.
Thay vào đó, trẻ sẽ hiểu được điều mà bạn nói thông qua sự kết hợp giữa điệu bộ cử chỉ, giọng điệu và cả biểu hiện trên khuôn mặt của bạn
Trẻ nhỏ từ 18 tháng trở đi, cho đến khi được 2 tuổi sẽ bắt đầu sử dụng các từ ngữ chỉ hành động hay sự di chuyển.
Những lời trẻ nói ra sẽ thể hiện những gì mà trẻ nhìn thấy hoặc mong muốn, nhưng thường thì sẽ lược bỏ đi tính từ hay cấu trúc ngữ pháp, chẳng hạn như những cụm từ ngắn “Mẹ đi”, “Giầy ở trên”…Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng giao tiếp thông qua cử chỉ và giọng nói. Những gì trẻ thể hiện ra thông qua ngôn ngữ cơ thể cũng quan trọng như những gì trẻ nói.
Trẻ nhỏ thường sử dụng những từ ngữ hoặc câu nói ngắn gọn để khẳng định chính mình.
Những từ như “Không” và “Của con”, khi mà trẻ phát ngôn ra cũng đồng nghĩa với việc trẻ đòi hỏi quyền kiểm soát không gian cũng như thế giới riêng của trẻ. Đây là một đặc điểm quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ khi mà trẻ nói ra những từ này. Khi những đứa trẻ luôn nói “Không” với ba mẹ, thì thường sẽ nói “Có” với chính mình. Trẻ khẳng định sự độc lập là một bước đầu quan trọng để được làm chính mình và tách rời khỏi bạn, không chịu sự kiểm soát của bạn.
Tiếp xúc cơ thể, âu yếu và hát ru khe khẽ cho trẻ cũng là một hình thức giao tiếp đầu tiên.
Khi trẻ khóc, bạn có thể trấn an trẻ bằng sự hiện diện của bạn kèm theo sự an ủi hay giọng nói nhẹ nhàng. Trẻ đáp trả lại bạn bằng những cảm xúc tương ứng với những gì trẻ nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận. Trẻ sẽ phản ứng lại với nỗi buồn, sự căng thẳng, niềm hạnh phúc hay cả sự hài lòng của bạn.
Cần phải lưu ý là giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể sẽ có sự khác biệt.
Khi một đứa trẻ nghe thấy âm thanh “Dừng lại!”, có thể trẻ sẽ khóc bởi vì đó là cách trẻ phản ứng lại sự to tiếng trong mệnh lệnh của bạn. Tuy nhiên, đổi ngược lại, nếu bạn nói “Chúc con ngủ ngon” với trẻ bằng giọng điệu nhẹ nhàng, êm ái thì bạn sẽ dễ dàng dỗ dành trẻ đi vào giấc ngủ dễ dàng.
Những kết nối về mặt thể chất cũng là một hình thức giao tiếp của trẻ. Trẻ rất thích được gần gũi với cha mẹ của mình. Ôm ấp hoặc giữ trẻ sát bên cạnh bạn sẽ giúp trẻ cảm thấy an tâm và thoải mái; bạn có thể giữ trẻ bằng một cái điệu để có thể dễ dàng di chuyển mà không tốn quá nhiều công sức để giữ trẻ.
Đừng quá ngạc nhiên khi mà đứa trẻ của bạn lại khóc toáng lên khi bạn đang phải nghe điện thoại.
Bởi vì trẻ biết là bạn đang không chú ý đến trẻ và trẻ biết chỉ có cách đó mới khiến bạn để tâm đến. Việc trẻ quấy khóc có thể xuất hiện trong những tình huống khiến bạn không cảm thấy thoải mái, những nếu bạn nhận thức được nguyên nhân hành xử của trẻ thì bạn sẽ trở nên bình tĩnh, kiên nhẫn hơn để xử lý vấn đề ngay tại thời điểm đó.
Hướng dẫn cho trẻ cách giao tiếp hai chiều.
Hãy gợi ý để trẻ đáp ứng lại bạn. Ca hát hoặc đọc những bài vè, ca dao là những cách thức giao tiếp tốt nhất bằng âm thanh. Nó sẽ tạo ra một chuỗi các âm thanh, giai điệu kích thích trẻ nói chuyện.
Mở rộng vốn từ và âm thanh để giúp trẻ phát triển về kỹ năng ngôn ngữ.
Nếu trẻ nói “Về nhà”, bạn có thể giúp trẻ mở rộng suy nghĩ của mình bằng cách nói, “Con muốn về nhà. Chúng ta có thể ra về trong ít phút nữa.”
Thậm chí nếu bạn không chắc chắn trẻ có hiểu hết lời bạn nói, hãy cứ trò chuyện với trẻ!
Giống như việc ôm hôn trẻ, từ ngữ cũng là một cách thức quan trọng để bạn có thể kết nối được với con của mình. Từ ngữ sẽ giúp cho trẻ bắt đầu học được cách liên kết âm thanh với cảm xúc và suy nghĩ của mình cũng như của mọi người xung quanh.