close menu
Quá Trình Phát Triển Của Trẻ Sơ Sinh Như Thế Nào Là Đúng Chuẩn?

Kiến thức nuôi dạy trẻ

Quá Trình Phát Triển Của Trẻ Sơ Sinh Như Thế Nào Là Đúng Chuẩn?

Quá trình phát triển của trẻ sơ sinh phát triển đúng chuẩn sẽ phải đảm bảo được cơ bản các yếu tố về chiều cao, cân nặng, kích thước vòng đầu, các biểu hiện về vận động và ý thức. Vậy như thế nào là trẻ phát triển đúng chuẩn trong giai đoạn này?

Cân nặng

Ngay khi sinh ra em bé sẽ có giai đoạn tụt cân sinh lý sau khoảng từ 3-5 ngày đầu tiên, đây là biểu hiện hoàn toàn bình thường. Sau đó khoảng hai tuần tuổi, số cân nặng ban đầu lúc sinh sẽ được lấy lại, sau 1 tháng đầu bé có thể tăng được từ 600gr – 1kg 1 tháng, cũng có các trường hợp em bé sẽ tăng được 2kg ngày trong tháng đầu tiên. 

Giai đoạn từ 0-6 tháng đầu cân nặng của em bé tăng rất tốt, trung bình khoảng từ 600gr – 1kg/ 1 tháng. Cũng có những trẻ tăng cân tốt hơn nhưng cũng không vượt quá nhiều, trường hợp em bé tăng cân đột ngột cũng cần khám. Ngược lại, cũng có những em bé sẽ không đạt tỷ lệ này, có thể dưới 300gr/tháng, lúc đó tốt nhất mẹ nên đưa em bé đến bệnh viện để có lời khuyên chính xác từ bác sĩ.

Sau giai đoạn 6 tháng, trẻ hết kháng thể từ mẹ truyền qua nhau thai, bước vào quá trình ăn dặm trẻ sẽ không tăng cân nhiều. Cho đến khi trẻ được 1 tuổi gấp 3 lần lúc mới sinh, là phát triển bình thường.

Thông thường người Việt Nam rất thích con trẻ mũm mĩm, nhưng theo bảng chuẩn tăng trưởng của tổ chức WHO thì 1 tuổi em bé đạt cân nặng từ 8,9kg đối với bé gái, 9,6kg với bé trai là đạt chuẩn. Quá mức này quá nhiều sẽ được coi là trẻ béo phì và cần có chế độ ăn riêng.

Chiều cao

Các em bé sơ sinh có sự tăng vọt về chiều cao ngay sau khi sinh 4 tuần đầu có thể tăng 2,5cm, đây là giai đoạn chiều cao tăng mạnh nhất của em bé. Trong năm đầu đời, em bé có thể cao thêm trung bình là 25cm, đạt chiều cao chuẩn lúc 1 tuổi là 75cm. Năm thứ 2, bé sẽ tăng thêm khoáng 10cm, sau 10 tuổi bé vẫn tiếp tục cao trung bình khoảng 5cm mỗi năm. 

Tuy nhiên nếu bé gái cao dưới 68,9cm, bé trai cao dưới 71,3cm ba mẹ nên cho bé đi kiểm tra để có tác động tốt hơn cho chiều cao của trẻ. 

Kích thước vòng đầu

Kích thước vòng đầu thường không được các ba mẹ Việt Nam quan tâm nhiều, nhưng đây là một trong những biểu hiện quan trọng về việc phát triển trí não của trẻ. Chu vi vòng đầu của bé sẽ tăng 1,3cm trong tháng đầu tiên, trên đầu em bé sẽ có hai khu vực thóp mềm, phần thóp sau sẽ đóng khi bé được 2-3 tháng, phần thóp trước sẽ đóng lại khi bé được 1 tuổi.

Nếu các giai đoạn này trở nên quá sớm, hoặc sau mốc thời gian 24 tháng ba mẹ nên đưa em bé đi khám bác sĩ, bởi nếu  thóp trẻ sơ sinh đóng sớm có thể do nhiều lý do như bẩm sinh, não hoặc xương đầu cốt hóa sớm, hoặc mẹ bị phơi nhiễm tia X-quang trong thời gian dài, hậu quả sẽ làm cản trở não bé phát triển.

Thóp trẻ sơ sinh đóng muộn chứng tỏ khả năng xương chậm cốt hóa do chức năng tuyến giáp kém, hoặc trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thậm chí não to lên bất thường. 

Vậy nên việc đo vòng đầu cho trẻ sơ sinh theo từng tháng hoặc 3 tháng 1 lần để kiểm tra định kỳ trong các giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh năm đầu đời. 

Sự phát triển thần kinh, vận động đúng chuẩn của trẻ

1. Sự phát triển thể chất thần kinh đúng chuẩn của trẻ sơ sinh từ 1-3 tháng tuổi

Theo thông tin của Bộ Y tế, đối với các em bé có độ tuổi từ 1-3 tháng tuổi, ba mẹ cần theo dõi sát sự phát triển thần kinh và vận động bình thường bằng cách kiểm tra các kỹ năng của bé như sau:

Kỹ năng vận động thô: Trẻ từ 1-3 tháng tuổi đã biết lật từ ngửa sang nghiêng, có thể tự lật sấp được và biết nâng cao đầu khi nằm sấp.

Kỹ năng vận động tinh: Trẻ biết cầm, giữ đồ vật trong tay từ 1-2 phút, có thể dùng tay để đưa đồ vật vào miệng. 

Kỹ năng ngôn ngữ và xã hội: Trẻ bắt đầu có thể phát ra âm thanh gây sự chú ý của người khác, có thể cười thành tiếng, biết hóng chuyện và mỉm cười khi thấy người bé thích hoặc người khác trêu đùa bé. 

2. Sự phát triển vận động và thần kinh của trẻ từ 4-6 tháng tuổi

Kỹ năng vận động thô: Giai đoạn này trẻ có thể lật từ ngửa sang sấp và từ sấp sang ngửa, nâng đầu được lâu hơn, khi kéo đầu lên chống tay thẳng có thể giữ vững đầu và tay được khá lâu. Trẻ biết trườn ra xung quanh nơi có vật bé chú ý. 

Nếu 6 tháng tuổi mà trẻ chưa biết bò là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu 6 tháng mà trẻ vẫn chưa lẫy thì phụ huynh cần chú ý theo dõi sát sao hơn.

Kỹ năng vận động tinh: Biết với tay để cầm nắm đồ vật

Kỹ năng ngôn ngữ xã hội: Trẻ giai đoạn này rất thích cười đùa, biết giữ đồ chơi của mình và rất ham thích với môi trường xung quanh.

3. Sự phát triển vận động thần kinh của trẻ từ 7-9 tháng tuổi

Kỹ năng vận động thô: Trẻ có thể ngồi được vững vàng, bắt đầu tập bò và bò được, có thể đứng dậy khi có thành để bám chắc chắn. Cá biệt có trẻ đã có thể tự mình đứng vững.

Kỹ năng vận động tinh: Trẻ có thể cầm hai vật đập vào nhau, biết chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia, có thể nhặt đồ vật bằng ngón tay cái và một ngón tay khác. 

Kỹ năng ngôn ngữ xã hội: Trẻ biết quay đầu về phía có tiếng nói, phát âm rõ hơn, thường câu đầu tiên bé sẽ nói là từ ba. Trẻ cũng đã có thể tự cầm đồ ăn, một số trẻ khéo léo đã bắt đầu biết tự cầm muỗng xúc thức ăn mềm được. 

Bé biết chơi ú òa, biết vươn người lấy đồ, biết vẫy tay hoan hô, biết từ chối nếu không thích.

4. Sự phát triển vận động thần kinh đúng chuẩn của trẻ từ 10-12 tháng

Kỹ năng vận động thô: Trẻ đã có thể đứng vững, bắt đầu tập đi, có trẻ có thể đã đi thành thạo. 

Kỹ năng vận động tinh: Trẻ sử dụng các ngón tay khéo léo và dễ dàng hơn, biết đập hai vật vào nhau, kẹp vật bằng hai đầu ngón tay.

Kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức xã hội: Lúc này trẻ có thể nói câu một hai từ, hiểu được câu đơn giản, biết chỉ vào vật yêu thích và bắt đầu biết bày tỏ cảm xúc với những vật những việc mình yêu thích, hoặc không hài lòng. Bé cũng thích lặp lại các động tác gây sự chú ý của người lớn. 

Bé cũng có thể đáp ứng với những mệnh lệnh, yêu cầu đơn giản như chào tạm biệt, giơ tay lên, biết xấu hổ khi có người lạ, biết níu quần áo ba mẹ khi muốn gây sự chú ý. 

Quá trình phát triển của trẻ sơ sinh năm đầu đời bao gồm rất nhiều vấn đề ba mẹ cần chú ý, từ chiều cao, cân nặng, ý thức xã hội, ngôn ngữ. Những thông tin chúng tôi vừa cung cấp là tiêu chuẩn chung nhất dựa theo các các tiêu chí đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam, hi vọng sẽ mang những thông tin hữu ích đến cho các bậc phụ huynh, nhất là những ai lần đầu làm cha mẹ. 

Đặt lịch học trải nghiệm