Cũng giống như giai đoạn trước (lúc trẻ 13 – 24 tháng tuổi), các bạn cần phải ghi nhớ kỹ rằng mỗi đứa trẻ đều có tốc độ phát triển riêng của mình. Cho nên các ông bố bà mẹ đừng quá lo lắng khi con mình có điểm gì đó không giống như những đứa trẻ khác, trừ khi các bạn nhận thấy một số dấu hiệu “cảnh báo” sắp được nói đến đến sau đây.
Các cột mốc quan trọng
Vào thời điểm này, trí tưởng tượng của con bạn đang bắt đầu “cất cánh”. Những dấu hiệu giúp bạn nhận diện được đó là trẻ luôn có một nỗi sợ hãi thường trực về những con quái vật trong trí óc của mình, hoặc đơn giản chỉ là sợ bóng tối, máy hút bụi. Sẽ rất khó khăn cho trẻ để có thể phân biệt được đâu là thực tế, còn đâu chỉ là sự tưởng tượng do trẻ tạo nên.
Trẻ sẽ bắt đầu phát ra những âm thanh rõ ràng hơn, để những người lạ lần đầu tiếp xúc vẫn hiểu những gì trẻ đang nói. Trẻ có thể sử dụng đúng một số đại từ chỉ người và vật cũng như thực hành được những hướng dẫn nhiều bước từ người lớn. Vốn từ vựng theo thời gian của trẻ đã tăng lên đáng kể. Trẻ vận dụng được hàng trăm từ ngữ ngay khi trẻ được 3 tuổi.
Trẻ có thể đi bộ lên, xuống cầu thang, nhảy và đạp xe đạp 3 bánh. Sự khéo léo của trẻ đang dần được nâng cao: Trẻ bắt đầu khám phá ra cách mở cửa, cách khui các thùng đồ chơi và làm sao để di chuyển các bộ phận của món đồ chơi mà trẻ có. Trẻ cũng có thể vẽ được hình tròn và giải những câu đố ô chữ đơn giản.
Bạn sẽ nhìn thấy trẻ bắt đầu phát triển về tình cảm bạn bè, thể hiện sự đồng cảm và những cảm xúc đối với những người bạn chơi cùng mình, thậm chí là những con búp bê mà trẻ chơi hàng ngày. Trẻ sẽ dần học được những khái niệm liên quan đến việc phân công và chia sẻ. Nhưng đôi khi trẻ sẽ phải tập xử lý những cơn giận dữ của mình khi cảm xúc lên cao.
Vai trò của cha mẹ
Hãy tạo điều kiện cho con của bạn được chơi đùa cùng với những đứa trẻ khác cùng độ tuổi. Cho trẻ một cơ hội để học cách giải quyết những tranh chấp với những người bạn của mình, nhưng sẽ sẵn sàng tham gia để giúp trẻ biết cách chia sẻ và phân công công việc với những bạn khác. Trẻ sẽ cần đến sự giúp đỡ của bạn để xử lý vấn đề và những cảm xúc bên trong nhưng hãy trao quyền để trẻ tự làm điều đó.
Chơi các trò chơi liên quan đến việc học tập: chẳng hạn, đếm cầu thang cùng trẻ, hỏi trẻ cách lắp ráp các món đồ chơi lại với nhau và gọi tên từng bộ phận trên cơ thể. Đồng thời, bạn cũng nên để trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài để tự do chạy nhảy, đạp xe và khám phá mọi thứ.
Hãy thiết lập một giới hạn chừng mực để trẻ có thể theo đó mà thực hiện, và nếu trẻ có làm sai thì bạn cần phải khéo léo để xử trí một cách bình tĩnh.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải thiết kế lại không gian nhà cửa phù hợp để giúp trẻ phát triển những kỹ năng liên quan. Bởi vì lúc này trẻ sẽ sẵn sàng di chuyển từ chiếc cũi của mình đến giường ngủ của bạn vào sinh nhật lần thứ 3 của mình. Và đặc biệt, bạn hãy lưu ý đến những dấu hiệu ngầm ám chỉ rằng trẻ đã đến lúc cần học cách sử dụng nhà vệ sinh như người lớn rồi.
Những dấu hiệu cảnh báo trong giai đoạn phát triển này của trẻ
Như đã đề cập ở trên, mỗi đứa trẻ phát triển theo tốc độ của riêng mình, nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ:
- Đang phải vật lộn với những lo lắng không đáng có
- Không tương tác với những người ngoài gia đình
- Không chơi với những đứa trẻ khác
- Tránh tiếp xúc bằng mắt
- Không thể ném một quả bóng hoặc thực hiện các động tác nhảy lên cao
- Không thể leo lên cầu thang bằng 2 chân luân phiên
- Không sử dụng nhiều hơn 3 từ trong 1 câu nói
- Không thể nói 1 câu trọn vẹn
- Khiến những người đối diện không thể hiểu được những gì trẻ đang nói (trừ người thân)
- Không chơi những trò chơi tưởng tượng như những đứa trẻ bình thường khác
- Không thể tự thực hiện những việc cơ bản như mặc quần áo, hoặc đi ngủ
- Quên mất những kỹ năng mà trẻ đã có trước đó