Huyết áp cao có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng khi bạn mang thai, tuy nhiên bạn cũng không cần quá lo lắng về thai kỳ và sự phát triển của thai nhi khi có sự giúp đỡ của bác sĩ sản khoa. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một số loại huyết áp cao trong thai kỳ để bạn có thể có kế hoạch mang thai và sinh nở một cách hoàn hảo nhất.
Tăng huyết áp mãn tính
Tăng huyết áp mãn tính thuộc về những người có tiền sử tăng huyết áp, và việc này bắt đầu từ trước khi mang thai, hoặc bắt đầu trong 20 tuần đầu tiên của quá trình mang thai. Đối với những mẹ bầu được chẩn đoán tăng huyết áp mãn tính cần có kế hoạch mang thai và sinh nở cụ thể hơn so với những mẹ bầu khác, để có thể đảm bảo được sự an toàn về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Bạn cần thiết phải có sự tư vấn cụ thể từ bác sĩ sản khoa.
Tăng huyết áp thai kỳ ( tăng huyết áp do mang thai):
Tăng huyết áp trong thai kỳ xuất hiện bắt đầu sau 20 tuần mang thai, hiện tượng này có thể sẽ bến mất sau khi sinh, nhưng đây là biểu hiện cho việc mẹ bầu sẽ rất dễ mắc bệnh tăng huyết áp mãn tính trong tương lai.
Tiền sản giật
Tiền sản giật là một chứng bệnh rối loạn huyết áp nghiêm trọng có thể xảy ra trong thai kỳ, hậu quả của tiền sản giật có thể ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan trong cơ thể mẹ và có thể gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe cho em bé. Tiền sản giật thường xảy ra trong ba tháng cuối thai kỳ, nhưng không loại trừ trường hợp tiền sản giật có thể xảy ra ở giai đoạn sớm hơn.
Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật, giai đoạn sản giật có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Tiền sản giật nặng có thể biến thành hội chứng HELP – Tan huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu. Hội chứng này có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và con.
Huyết áp thai kỳ có thể gây ra những gì?
Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và bé, bạn cần được bác sĩ sản khoa theo dõi chặt chẽ suốt quá trình mang thai, nhằm đảm bảo một thai kỳ an toàn.
Các biến chứng về việc tăng huyết áp thai kỳ có thể gồm khá nhiều vấn đề về tim, thận, gan, đông máu, co giật và nguy cơ đột quỵ tăng lên. Huyết áp cao cũng có thể gây nên hiện tượng bong tróc nhau thai, đẩy nhau thai ra khỏi tử cung sớm hơn dự kiến. Và hầu hết những người bị huyết áp cao trong thai kỳ đều có khả năng phải sinh mổ và sinh sớm hơn so với dự kiến mang thai.
Huyết áp cao trong thai kỳ cũng có thể gây ra nhiều vấn đề cho em bé, vì hiện tượng này làm giảm lượng máu lưu thông đến nhau thai, có thể dẫn đến trẻ nhẹ cân khi sinh hoặc sinh non.
Làm sao để ngăn ngừa huyết áp trong thai kỳ
Để phòng ngừa huyết áp thai kỳ bạn hãy có kế hoạch chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai và trong quá trình mang thai một cách tỉ mỉ nhất. Và chắc chắn rằng bạn không bị tiền sử huyết áp cao, sau đó áp dụng những phương pháp dinh dưỡng lành mạnh cho sức khỏe của cả mẹ và bé, kết hợp đi kiểm tra thai kỳ định kỳ bạn sẽ giảm thiểu được nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ.
Nếu bạn đang mang thai và bị huyết áp cao, bạn cần tuân thủ chính xác lịch khám thai với bác sĩ sản khoa để đo huyết áp, kiểm tra nước tiểu, kiểm tra sự phát triển của thai nhi, và luôn chuẩn bị máy đo huyết áp tại nhà.
Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ không thường xuyên gặp phải hiện tượng tăng huyết áp thai kỳ, nhưng mẹ bầu cũng nên có chế độ ăn uống và tập luyện cũng như theo dõi thai kỳ định kỳ. Trong trường hợp bạn bị tiền sử huyết áp cao, bạn cần thông báo với bác sĩ sản khoa ngay từ lần khám thai đầu tiên.