close menu
Hình phạt có tác dụng với trẻ nhỏ  như ba mẹ vẫn nghĩ?

Kiến thức nuôi dạy trẻ

Hình phạt có tác dụng với trẻ nhỏ  như ba mẹ vẫn nghĩ?

Mục đích áp dụng hình phạt cho trẻ với là để trẻ sợ và suy nghĩ việc mình làm là sai. Trên thị trường hiện nay cũng có một số những quyển sách hướng dẫn những cách phạt trẻ với những hành động cụ thể. Tuy nhiên, điều này đúng hay sai? Phương pháp dạy con có cần áp dụng các hình phạt không? – Khẳng định là không cần thiết, vì đứa trẻ hiểu chuyện không phải bằng hình phạt và lời chỉ trích. 

Không nên xử phạt trẻ dù bằng bất cứ hình thức nào

Hãy cùng chúng tôi lắng nghe câu chuyện của một tác giả khuyết danh, mà chúng tôi cho rằng câu chuyện này miêu tả đúng tâm trạng của một đứa trẻ khi bị phạt, và qua câu chuyện này, ba mẹ hãy tự cân nhắc với việc phạt hay không phạt trẻ. 

Câu chuyện phạt trẻ

“ Thời mầm non, tôi bị phạt vô số lần vì kén ăn và ăn chậm quá. Tôi không thích hầu hết các món ăn ở trường và cảm thấy chúng có mùi vị rất ghê. Tôi không hiểu vì sao mình lại bị phạt chỉ vì tôi có cảm giác như vậy.

Lớn hơn một chút, mẹ bắt đầu dạy tôi rằng phải im lặng, không nên chê bai các món ăn, vì người nấu đã cố hết sức rồi. Tôi bớt bình phẩm hơn. Tôi nhớ có lần mẹ rất chăm chú xem chèo, tôi hỏi “ Sao dở thế mà mẹ vẫn xem?” – Mẹ trả lời “ Mẹ xem người ta cố gắng như thế nào”. 

Như vậy tôi đã tiếp nhận bài học không phán xét người khác, việc khác không phải nhờ vào những hình phạt từ thời mầm non!

Úp mặt vào tường – hình phạt được sử dụng nhiều nhất

Ngoài ra, tôi còn bị phạt vì thuận tay trái, trong khi cô giáo bắt cầm bút bằng tay phải. Trước khi đi học tôi đã có thể tô thành thạo và biết viết một ít do tôi tự học, nên chữ viết không theo quy tắc nào vì tôi tô chữ theo trong chuyện. Thực sự thì tôi đâu biết cần bắt đầu từ nét nào, phải trái ra sao, nhưng tôi vẫn dần biết đọc, biết viết theo cách riêng của mình. 

Có lần cô giáo bắt tôi đứng úp mặt vào tường. Cô nghĩ tôi sẽ thấy sợ hãi, xấu hổ và không mắc lỗi nữa. Nhưng sự thực thì tôi không thấy xấu hổ chút nào, tôi có thể đứng đó, tưởng tượng ra rất nhiều thứ hay ho mà khi ngồi học cùng các bạn tôi không có thời gian để nghĩ đến. Tôi khá thích thú khi được sống tự do trong thế giới của mình. 

Lần khác, cô giáo bắt tôi đứng một mình trong hầm chữ A. Đối với tôi, đó là một sự may mắn. Khi một mình ở trong hầm, với không gian yên tĩnh, tôi có thể cảm nhận rõ ràng mùi âm ẩm của nấm mốc, tôi thấy thóc trổ thành mạ ngay lớp đất trát hầm, tôi còn được trải nghiệm cảm giác lạnh êm khi vuốt tay vào cây nấm bé có cọng trắng mũ nâu, mọc ở góc hầm. 

Thay bằng việc phạt trẻ, hãy cho trẻ hiểu việc làm đúng bằng ngôn từ

Cao điểm nhất là lần tôi bị phạt đứng trên ghế, ghế kê trên bàn nhỏ, bàn nhỏ kê trên bàn to của cô. Cô nghĩ rằng tôi sẽ sợ vì nếu tôi cựa quậy thì sẽ bị té xuống. Thế nhưng tôi cứ đứng như vậy và quên mất thời gian, vì tôi phát hiện ra một loại thằn lằn to và sẫm màu hơn loại thằn lằn ở nhà tôi. Nó và con nhện đang tấn công nhau – một trò đuổi bắt thú vị”. 

Sau này lớn lên, tôi càng hiểu rằng, những hình phạt mà người lớn áp dụng với trẻ hầu như đều vô nghĩa, nếu có thì thường mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Đặc ân mà tạo hóa ban riêng cho con người là ngôn ngữ, chúng ta nên kiên nhẫn dùng nó kết nối, chứ không phải dùng hình phạt để ép những đứa trẻ làm theo ý mình. Nói cách khác, khi phải sử dụng hình phạt, tức là khi đó chúng ta đang bất lực và thiếu kiên nhẫn, mà kiên nhẫn là thứ cần học cả đời.”

Tạm kết

Đây là một câu chuyện về giáo dục con với hình phạt rất hay, cốt lõi tác giả nhấn mạnh không nên sử dụng hình phạt với trẻ, vì nó không mang lại giá trị tốt đẹp nào. Trong tất cả các phương pháp hướng dẫn giáo dục sớm cho con trẻ được du nhập từ các nước tiên tiến, cũng không có bất kỳ phương pháp nào hướng dẫn trách phạt và sử dụng hình phạt cho trẻ. 

Chúc các ba mẹ nuôi con thành công.

Đặt lịch học trải nghiệm