Bạn bắt gặp con mình đang nói dối? Đừng quá lo lắng, những lời gợi ý sau đây sẽ giúp cho trẻ tránh được thói quen không tốt ấy. Bạn có nhớ lần cuối cùng mình nói dối là khi nào không? Bạn có từng lo lắng về những hậu quả hay những rắc rối mà bạn vấp phải không? Hay bạn từng cho rằng sự thật sẽ làm tổn thương bạn. Chúng ta đều có những lý do cho những hành động của mình và những đứa trẻ cũng thế. Vì thế, lần tới, trước khi bạn la mắng trẻ, hãy nhớ rằng bạn đã từng trải qua điều tương tự. Cái mà bạn cần làm đó là giúp trẻ nói ra sự thật và không được phép trốn chạy. Làm được điều này, bạn sẽ tạo được kết nối lâu dài với trẻ và tạo cho trẻ cảm giác tin tưởng nơi bạn. Sau đây là một số gợi ý nho nhỏ để giúp các bậc phụ huynh có thể giúp trẻ tránh được thói quen xấu này.
1. Lời nói đi đôi với hành động
Trước khi bạn hứa với trẻ điều gì, hãy suy nghĩ thật cẩn thận. Luôn nhớ rằng những đứa trẻ ấy sẽ nhìn và bắt chước theo hành vi, cử xử của bạn. Nếu bạn nói với trẻ rằng: “Bố/Mẹ sẽ đón con ở trạm xe buýt nhé!” thì bạn chắc chắn phải ở đó đợi trẻ. Trong trường hợp bạn không biết có đón trẻ được không thì phải nói trước với trẻ một tiếng: “Bố/Mẹ sẽ cố gắng hết sức có thể để đến đó!”
2. Trẻ cần biết được “Tự do đi đôi với Trách nhiệm”
Những đứa trẻ trưởng thành theo năm tháng sẽ bắt đầu khao khát được sự tự do. Và để đạt được điều này, đôi khi trẻ sẽ nói dối bạn và những người thân xung quanh. Nhưng điều quan trọng ở đây đó là bạn phải dạy cho trẻ ý thức “Tự do và Trách nhiệm luôn song hành với nhau” ngay từ nhỏ. Nếu bạn biết được trẻ đang nói dối, thì bạn cần phải nói chuyện thật nhẹ nhàng với trẻ và để trẻ hiểu rằng việc nói ra sự thật không đến mức tệ hại như trẻ vẫn nghĩ.
Hãy để cho con bạn nhận ra việc lạm dụng thường xuyên thói quen xấu này để gây hiểu lầm hay làm tổn thương ai đó chẳng hạn thì hệ quả tất yếu mà trẻ sẽ nhận được đó là: Trẻ sẽ trở thành một người khiến người khác nghi ngờ, đề phòng và tương lai có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những lời nói dối ấy.
3. Hãy cởi mở
Cởi mở ở đây không có nghĩa là bạn đồng ý hoàn toàn với những gì con bạn nói ra. Nhưng bạn hãy học cách suy nghĩ, học cách nói chuyện theo ngôn ngữ của trẻ. Nếu trẻ muốn nói về một trấn đấu bóng ở trường, hay bất cứ 1 trò chơi ngốc ngếch nào, hãy để trẻ có cơ hội được bộc lộ. Chỉ có như thế thì trẻ mới dần dần tin tưởng bạn. Hoặc đứa con gái muốn nói với bạn 1 câu chuyện dở hơi nào khiến bạn phát ngán thì hãy luôn cố gắng để có thể thấu hiểu trẻ tốt hơn. Khi ấy biết đâu bạn có thể nhìn thấy những cảm xúc nhẹ nhõm nơi khuôn mặt của trẻ.
4. Dành ra một ít thời gian và tạo dựng không gian thích hợp cho việc “lắng nghe”
Bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần có không gian để phát triển và bạn cần phải dành thời gian ra để xây dựng chúng thật tốt. Có một số điều trở nên dễ dàng bộc lộ hơn khi cùng ngồi xuống với nhau, ăn chung một bữa cơm đầm ấm. Hãy để trẻ cảm nhận được bạn luôn lắng nghe và chia sẻ mọi điều với trẻ.
5. Chỉ có hành vi là sai, chứ trẻ không xấu
Khi các bậc cha mẹ phát triển ra trẻ nói dối, thì không nên phê phán trách móc nhân cách của trẻ mà phải chỉ ra cho trẻ thấy điều trẻ đang làm không tốt. Hãy để con bạn biết rằng bản thân mình không hề xấu, trẻ có khả năng nói ra sự thật và hối lỗi đối với hành vi, cử chỉ của mình. Không có gì xấu hổ khi phải thừa nhận sự thật cả.
6. Thay đổi môi trường
Có thể môi trường trẻ đang sống và học tập, vui chơi có những tác động bên ngoài dẫn đến việc trẻ thường xuyên nói dối. Trong trường hợp này hãy giúp trẻ thay đổi môi trường. Thói quen cũ sẽ được loại bỏ khi trẻ được phát triển trong một môi trường lành mạnh, bạn bè mới tốt.
7. Trừng phạt trẻ không phải là một giải pháp tốt
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về tâm lý trẻ em cho biết trẻ rất khó để mà có thể nói ra sự thật nếu bị bố mẹ đe dọa bằng những hình phạt. Thông thường trẻ hay nói dối là do:
- Sợ bố mẹ la mắng khi nói ra sự thật
- Trẻ muốn làm bố mẹ vui lòng
- Trẻ muốn bảo vệ ai đó hay điều gì mà trẻ cho là cần thiết, quan trọng với trẻ
- Nhiều khi trí tưởng tượng của trẻ quá phong phú, và để bớt nhàm chán với hiện tại
Và có dù là nguyên nhân gì thì các bậc phụ huynh nên dành thời gian để trò chuyện với trẻ lâu hơn thay vì dành thời gian mắng nhiếc lỗi lầm của trẻ.