Các giai đoạn phát triển của thai nhi khiến mẹ bầu thay đổi rất nhiều, thay đổi từ hình dáng bên ngoài đến những thay đổi tâm lý sinh lý. Với nhiều sự biến đổi xảy ra cùng một lúc sẽ khiến mẹ bầu ngoài việc hạnh phúc tột cùng khi được làm mẹ còn là những tháng ngày mệt mỏi bởi ốm nghén, bởi sự khó chịu vì các cơ quan nội tạng bị chèn ép khi em bé lớn dần lên.
Quá trình mang thai em bé lớn lên, cơ thể mẹ cũng sẽ có rất nhiều sự thay đổi
Quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày được gói gọn trong 3 giai đoạn, cơ thể người mẹ cũng có những thay đổi rõ rệt, khác nhau trong những giai đoạn này.
Những thay đổi lớn trong tâm sinh lý người mẹ ở giai đoạn mang thai thứ nhất
Sự thay đổi của cơ thể mẹ được bắt đầu ngay từ khi phôi nang bắt đầu cấy ghép vào thành tử cung để chuyển sang giai đoạn phôi thai. Do quá trình cấy ghép cơ thể người mẹ cũng diễn ra quá trình tiếp nhận, ở quá trình tiếp nhận này người mẹ có thể thấy cơ thể có vẻ như bị bệnh. Biểu hiện mỗi người phụ nữ sẽ không giống nhau nhưng cơ bản các mẹ sẽ thấy đau bụng âm ỉ, có thể có xuất huyết nhẹ 1-2 ngày, sốt, đơn giản hơn là cảm giác chán ăn, đắng miệng.
Khi phôi nang cấy ghép thành công cơ thể người phụ nữ sẽ có sự thay đổi hormone, dấu hiệu đầu tiên đó là mất kinh, và kèm theo sự mệt mỏi rõ rệt. Khi bạn trễ kinh khỏang 10 – 12 ngày thì có thể lúc này em bé đã phát triển được khoảng 5-6 tuần.
Một số thay đổi về thể chất cũng diễn ra với các mẹ bầu như ngực cương cứng, nhạy cảm hơn, đầu vú căng ra. Có cảm giác muốn ói mà không thể ói được vào buổi sáng, hoặc ăn bất cứ món nào vào sẽ ói ra lập tức. Bạn cũng có thể thèm ăn một loại thức ăn nào đó ở mức độ quá, hoặc có thể cảm thấy sợ một loại đồ ăn cũng ở mức độ quá.
Ở những tháng đầu thai kỳ mẹ bầu thường có cảm giác rất khó chịu và hay ói khan
Các bữa ăn cũng cũng không còn cố định, mà được chia thành nhiều bữa nhỏ, có thể diễn ra bất cứ lúc nào, mẹ thường xuyên thích đi ngủ sớm hơn.
Thời điểm này tâm lý của các bà bầu cực kỳ dễ thay đổi, mẹ sẽ cảm thấy đau đầu nhiều hơn, đi tiểu tiện thường xuyên hơn do em bé lớn dần chèn lên bàng quang, và còn tùy thể trạng mỗi người mà cân nặng có thể tăng lên hoặc giảm đi ở tam cá nguyệt thứ nhất này.
Nhưng đó chỉ là sự thay đổi bất thường do hormone của người mẹ gây nên khi mang thai, sẽ khiến các mẹ khá khó chịu, dẫn đến tâm lý dễ bị căng thẳng, lo lắng và có thể cáu giận thường xuyên hơn. Nên các mẹ bầu cố gắng cân bằng trạng thái tâm lý, ăn uống đủ chất có chọn lọc để em bé được phát triển khỏe mạnh, trạng thái này sẽ hết dần khi sự phát triển của thai nhi tuần 12 qua đi, bắt đầu bước qua giai đoạn hai.
Tâm lý mẹ bầu giai đoạn thứ hai
Hầu hết những biểu hiện tâm lý sinh lý của mẹ bầu ở giai đoạn một, sẽ dần ổn định và dễ chịu hơn khi thai nhi phát triển đến tháng thứ 4. Nhưng sẽ lại chuyển sang giai đoạn mới với các dấu hiệu khác.
Lúc này em bé lớn hơn, bạn sẽ thấy bụng mình to ra, đồng thời trọng lượng của em bé sẽ đè ép lên vùng xương chậu nhiều hơn mẹ sẽ thấy đau mỏi người, đặc biệt là vùng lưng, bụng háng và đùi.
Nếu cơ địa mẹ bầu nào cấu trúc da dễ thay đổi và đàn hồi không tốt da sẽ bắt đầu xuất hiện các về rạn ở vị trí bụng, ngực, đùi, mông. Bên cạnh đó vùng da xung quanh núm vú đổi màu tối sẫm lại, trên bụng xuất hiện một đường thẳng sẫm màu chạy từ rốn đến chân mu. Do hormone nội tiết tố thay đổi lúc này có thể các mẹ bầu xuất hiện các mảng nám da, thường là trên má, trán, mũi, môi, hiện trạng nám này có thể sau sinh sẽ hết hoặc không, tùy thể trạng.
Thai nhi dần phát triển, ở giai đoạn thứ 2 mẹ bầu sẽ thấy dễ chịu hơn
Hiện tượng ngứa cũng có thể xảy ra, ngứa ran hai bàn tay, ngứa vùng bụng, má đùi, lòng bàn tay, bàn chân. Hiện tượng này hoàn toàn bình thường khi mang thai, nhưng nếu kéo dài thì mẹ bầu nên đi kiểm tra gan nhanh chóng vì có thể bạn mắc một vấn đề nào đó nghiêm trọng ở gan.
Ở cuối tháng thứ 6 có thể các mẹ đã có hiện tượng phù ở mắt cá chân, bàn tay và mặt. Nhưng nên phân biệt rõ đó là hiện tượng phù hay sưng, nếu hiện tượng sưng và tăng cân đột ngột bạn cần đi khám vì có thể đó là hiện tượng tiền sản giật nguy hiểm trong chu kỳ phát triển của thai nhi.
Ở giai đoạn hai, cơ thể mẹ đã dần quen với việc em bé đang phát triển trong bụng mình, nên tâm lý cũng dễ chịu hơn, chính vì vậy hãy cố gắng thư giãn để chờ đón giai đoạn mệt nhọc hơn vào những tháng sau đó.
Những thay đổi của mẹ ở giai đoạn thứ 3 trong quá trình mang thai
Giai đoạn thứ 3 bắt đầu ở tháng thứ 7 của thai kỳ, một số biểu hiện khó chịu ở giai đoạn 2 như mỏi lưng, đau xương, tiểu tiện nhiều lần sẽ vẫn tiếp tục và có xu hướng tăng lên. Bào thai lớn lên chèn ép, gây áp lực lên các cơ quan nội tạng của mẹ sẽ gây các hiện tượng trên kèm việc khó thở. Đây là những biểu hiện hoàn toàn bình thường tuy rằng cơ thể mẹ sẽ rất mệt mỏi nhưng không nên lo lắng quá vì em bé đang phát triển tốt, những hiện tượng này sẽ giảm hoặc biến mất sau khi bạn sinh con.
Ở giai đoạn cuối mẹ bầu sẽ thấy khó ngủ, nặng nề hơn, đau vùng chậu do em bé chuẩn bị chào đời
Giai đoạn này mẹ bầu cũng có thể gặp vài vấn đề về tiêu hóa như ợ nóng, táo bón hoặc bệnh trĩ. Ngưc căng cứng, có thể xuất hiện sữa non, phần rốn có thể lồi hẳn ra ngoài, khó ngủ hơn, ngôi bụng thấp hơn do bé đang di chuyển xuống vùng bụng dưới của mẹ để chuẩn bị cho quá trình chào đời.
Các cơn co thắt nhẹ có thể xuất hiện từ tuần cuối của tháng thứ 8, xuất hiện nhiều hơn trong tháng thứ 9 và đây là những dấu hiệu chuyển dạ. Bước vào tháng thứ 9 của thai kỳ, đến gần ngày sinh cổ tử cung của mẹ trở nên mỏng, mềm hơn, nó giúp ống sinh ở âm đạo mở ra trong quá trình sinh nở, lúc này cơ thể mẹ sẽ khá nặng nề, khó thở hơn, mệt nhọc hơn nhưng bạn hãy sẵn sàng, em bé chuẩn bị chào đời.
Trong quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày, hầu hết tâm lý ba mẹ và người thân sẽ dồn nhiều sự quan tâm lên các giai đoạn phát triển của thai nhi mà ít khi để ý nhiều đến sự thay đổi tâm lý của mẹ bầu qua các giai đoạn này. Tuy nhiên cả mẹ và bé đều cần được quan tâm, chăm sóc chu đáo để quá trình sinh nở của người mẹ trở nên nhẹ nhàng hơn, em bé đương nhiên cũng sẽ hạnh phúc hơn khi mẹ có tâm lý thoải mái và vui vẻ.