Lần đầu làm mẹ, với sự lạ lẫm và chưa có kinh nghiệm với các giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh và sự chăm sóc đúng cách theo từng giai đoạn cho trẻ. Chắc chắn trong suốt quá trình bỡ ngỡ này sẽ không ít lần bạn gặp phải sự bối rối khi em bé bị bệnh. Trong bài viết này, chúng tôi cung cấp một số dấu hiệu trẻ bị bệnh nặng và các loại bệnh thường gặp ở trẻ.
Khi nào các bệnh thông thường của trẻ trở nặng
Thật ra đối với vấn đề này cần sự can thiệp trực tiếp của bác sĩ nhi khoa mới có thể khẳng định chắc chắn, vì đôi khi biểu hiện bên ngoài không như diễn tiến thực tế, nhưng về cơ bản khi trẻ bị bệnh nặng sẽ có những dấu hiệu sau.
Nhiệt độ
– Trẻ sốt cao nhưng chân và tay lạnh
– Sốt cao và không đáp ứng bất kỳ một loại thuốc hạ sốt nào kể cả paracetamol hay ibuprofen
– Trẻ im lặng và có vẻ rất mệt mỏi ngay cả khi đã hạ sốt
– Trẻ dưới 8 tuần tuổi sốt cao
Hơi thở
– Thở nhanh hoặc thở hổn hển
– Có âm thanh rít khẽ trong khi thở
– Thở bằng bụng
Các dấu hiệu khác
– Da xanh, nhợt nhạt kém sắc
– Con bạn khó thức dậy, hoặc mất phương hướng khi thức dậy
– Trẻ khóc liên tục, không thể dỗ, hoặc tiếng khóc lớn bất thường
– Ói mửa liên tục
– Bị co giật lần đầu tiên
– Bé dưới 8 tuần mà từ chối bú
– Trẻ không đi tiểu
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào trong số các dấu hiệu vừa nêu trên nên lập tức đưa bé đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân cũng như cách điều trị hợp lý nhất với bệnh của trẻ. Tuy nhiên, khi đọc đến đây các mẹ đừng quá lo lắng, bản năng làm mẹ là một thứ rất kỳ diệu, bạn có thể sẽ phát hiện ra bệnh của trẻ ngay khi mới bắt đầu, và có biện pháp ngăn chặn thích hợp tránh việc bệnh của trẻ bị trở nặng.
Những căn bệnh trẻ thường gặp ở giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ
Viêm họng: Em bé có thể đau họng, sốt, nhiều cha mẹ có thể nhầm tưởng đây là triệu chứng bệnh cảm lạnh. Nếu không điều trị kịp thời, viêm họng có thể gây biến chứng vào tim hoặc thận.
Dấu hiệu của viêm họng: Amidan giãn rộng, xuất hiện màng trắng ở lưỡi và miệng, đau sưng mắt, sốt trên 37,5 độ C, khó nuốt, trẻ có vẻ mệt mỏi.
Tiêu chảy cấp: Bệnh này là sự kết hợp các dấu hiệu của vấn đề rối loạn tiêu hóa và cảm lạnh. Bệnh này gây ra mất nước, nôn mửa và tiêu chảy. Trẻ cũng có thể sốt khi bị tiêu chảy cấp, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám và có sự bù nước kịp thời.
Ho gà: Trẻ có biểu hiện sốt, sổ mũi, ho khan với âm thanh rít lên. Sau cơn ho dữ dội trẻ có thể bị nôn mửa. Hãy đi khám càng sớm càng tốt, vì ho gà chỉ được xác định qua các xét nghiệm chuyên môn.
Sốt ban đỏ: Sốt ban đỏ thường gặp nhất là ở các bé còn trong độ tuổi sơ sinh. Trẻ sẽ sốt khá cao, bứt rứt, khó chịu, hay khóc, kém ăn. Sau 2-3 ngày sau ngày sốt đầu tiên trên cơ thể trẻ có thể xuất hiện các vết phát ban. Đầu tiên là ở bụng sau đó lan rộng ra, trẻ càng nhỏ tháng các vết ban càng đậm và nhiều. Nhưng đặc điểm dễ nhận biết là các nốt không xuất hiện trên mũi và vùng da quanh môi.
Thông thường các bé sẽ tự khỏi, hoặc để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh giống như trường hợp bệnh viêm họng.
Bệnh hen suyễn: Nếu người trong gia đình có tiền sử bệnh hen suyễn, ba mẹ cần cẩn trọng theo dõi, vì bệnh này có nguy cơ di truyền. Khi bị hen suyễn bé có thể sẽ bị nghẹt thở vì các phản ứng dị ứng, thậm chí ngay cả khi khóc hay cười. Dù là bệnh mãn tính nhưng bệnh có thể ngừng tái phát trong một thời gian dài nếu được điều trị đúng cách. Dấu hiệu hen suyễn là khó thở, tiếng ho rít lên từ phổi.
Bệnh sởi: Đây là một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Giai đoạn đầu bệnh sởi và cúm rất giống nhau. Nhưng khi bị sởi trẻ sẽ xuất hiện các đốm trắng bên trong má, tiết chất nhầy nhiều, sốt cao, phát ban sau vài ngày. Ba mẹ cần cách ly trẻ bệnh, và đưa con đến cơ sở y tế gần nhất vì sởi rất dễ biến chứng.
Trẻ với các căn bệnh thông thường ba mẹ có thể theo dõi tại nhà, nếu trẻ đáp ứng thuốc hạ sốt và giảm các triệu chứng sau 3 ngày kể từ ngày phát bệnh. Nhưng nếu trẻ sốt quá 3 ngày dù đáp ứng thuốc hay không, các triệu chứng bệnh có giảm hay không cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Trong quá trình này có thể có một số bệnh sẽ trở nặng nhanh chóng, ba mẹ cần theo dõi sát sao và quyết định kịp thời khi nào thì trẻ cần ngay đến sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa.
Chúc các ba mẹ và bé có một tuổi thơ hoàn toàn khỏe mạnh!