Hiện nay có khá nhiều các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, qua thực tế chứng minh các phương pháp Glenn Doman, phương pháp Montessori, phương pháp Shichida, phương pháp HighScope là những phương pháp đạt hiệu quả tốt nhất hiện nay.
Giáo dục sớm cho trẻ giúp kích phát trí thông minh tiềm ẩn
Chúng ta cùng đi tìm hiểu những khác biệt làm nên thành công của các phương pháp này trong việc giáo dục sớm cho trẻ.
1. Phương pháp giáo dục Montessori
Trong lịch sử nền giáo dục thế giới, những nhà giáo dục được cả thế giới biết đến như Tiến sĩ -Bác sĩ – nhà giáo dục Ý Maria Montessori ( 1870-1952) là không nhiều. Bà là người phát minh ra phương pháp sư phạm giáo dục sớm cho trẻ dựa trên các nghiên cứu và kinh nghiệm làm bác sĩ của mình.
Phương pháp này chấp nhận sự duy nhất, là cá thể độc lập của mỗi trẻ, cho phép trẻ phát triển khả năng riêng của mình khi tôn trọng tính riêng biệt của từng trẻ. Phòng học và các bài học phù hợp sẽ được bố trí phù hợp tùy theo nhu cầu và mục đích của mỗi trẻ.
Tiến sĩ – nhà giáo dục học Maria Montessori
Điểm nổi trội của phương pháp này là nhấn mạnh đến tính tự lập của trẻ, tự do trong khuôn khổ cho phép trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra phương pháp này còn tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như thông qua các hoạt động mà trẻ thích trang bị cho trẻ những kiến thức về khoa học công nghệ, làm hành trang cho trẻ bắt đầu những năm tiểu học đầu đời.
2. Phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman
Là một trong bốn phương pháp giáo dục phổ biến nhất trên thế giới được giáo sư Glenn Doman sáng tạo và phát triển cùng với các cộng sự của mình tại Viện nghiên cứu tiềm năng con người (IAHP). Hiện nay phương pháp này được phổ biến ở 180 quốc gia trên toàn thế giới và là phương pháp duy nhất hướng dẫn giáo dục sớm cho trẻ tại nhà trong bốn phương pháp giáo dục phổ biến nhất hiện nay.
Glenn Doman kích thích trí thông minh của trẻ bằng Flashcards hoặc Dotcards, các trò chơi vận động. Phương pháp này không dạy cho trẻ biết đọc, biết viết mà chỉ nhằm kích thích trí thông minh trong bộ não của trẻ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, một người có thông minh hay không phần lớn được quyết định bởi việc phát huy tiềm năng trí tuệ của não phải, có thể sử dụng triệt để cả bán cầu não trái và bán cầu não phải để hỗ trợ nhau. Tuy nhiên sau giai đoạn vàng ( 0-6 tuổi), bán cầu não phải ngưng phát triển, nhường chỗ cho não trái. Phương pháp Glenn Doman được áp dụng trong giai đoạn này để kích phát hoàn toàn các tiềm năng của não phải trước khi nó kết thúc sự hoàn thiện bằng các các tấm thẻ và sự vận động cần thiết.
Phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman không hề bắt buộc trẻ phải học sớm, mà kích thích sự ham tìm hiểu của trẻ thông qua các tấm thẻ, các công cụ vận động đi kèm, được coi giống như một trò chơi thư giãn của trẻ mỗi ngày.
Thông qua việc học và chơi với các tấm thẻ, khả năng ghi nhớ, phân tích, xử lý tư duy chính xác của não phải sẽ dần được tăng lên, vì não phải có khả năng ghi được hình ảnh rất nhanh, chính xác, tự tin mà không cần ý thức, không cần phân tích.
Giáo dục sớm cho trẻ bằng phương pháp Glenn Doman
Bên cạnh đó phương pháp Glenn Doman còn là phương pháp kết nối giữa ba mẹ và con cái, ba mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, cũng là người đồng hành cùng trẻ trong việc tiếp nhận các bài học giáo dục sớm.
Glenn Doman giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí thông minh, cảm xúc và năng lực vượt qua nghịch cảnh, những kiến thức cần thiết trong phương pháp này sẽ là hành trang quan trọng trong suốt hành trình lớn lên và trưởng thành của trẻ sau này. Sự thành công của các trẻ đi trước đã khẳng định được hiệu quả của phương pháp này ngày hôm nay.
3. Phương pháp giáo dục Shichida – Nhật Bản
Phương pháp này bắt nguồn từ Nhật Bản và được ra đời vào năm 1960 của thế kỷ trước, được đặt tên theo tên người sáng lập ra phương pháp, Giáo sư Makota Shichida (1929-2009).
Phương pháp giáo dục Shichida tập trung vào bốn mặt:
- Một là phát triển trí óc, nhắm đến sự phát triển cân bằng của hai bán cầu não.
- Hai là giáo dục tinh thần, giúp trẻ có ý thức đạo đức từ sớm.
- Ba là giáo dục thể chất thông qua những bài tập phù hợp với lứa tuổi giúp trẻ khỏe mạnh hơn.
- Bốn là giáo dục dinh dưỡng vì dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng cung cấp đầy đủ dưỡng chất là nền tảng cho cơ thể trẻ phát triển, đây là một quan niệm mới trong các phương pháp giáo dục sớm ở trẻ so với các phương pháp đang phát triển hiện nay.
Phương pháp giáo dục ShiChiDa
4. Phương pháp giáo dục HighScope
Phương pháp giáo dục HighScope rất phổ biến tại Mỹ và phương Tây, được sử dụng cho trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học từ năm 1960. Đến nay HighScope trở thành một trong bốn mô hình giáo dục mầm non nổi tiếng nhất thế giới, được sử dụng rộng rãi trong các trường mầm non quốc tế.
Phương pháp giáo dục này nhấn mạnh vào việc cá nhân học tập chủ động, có nghĩa là học sinh với những trải nghiệm thực tế trực tiếp với con người, sự việc, sự kiện và các ý tưởng sẽ xây dựng được kiến thức của mình thông qua những tương tác với thế giới và con người xung quanh trẻ.
Trẻ thông minh hơn khi nhận được sự quan tâm giáo dục sớm
Giáo viên và cha mẹ cung cấp cho trẻ sự hỗ trợ về tình cảm, vật chất, gợi mở tư duy cho trẻ thông qua đa dạng vật liệu và sự chăm sóc.
Các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ đều có chung một mục đích là kích phát sự phát triển tối đa trong tiềm năng sẵn có của trẻ cả về trí tuệ, cảm xúc lẫn thể chất. Ba mẹ có thể nghiên cứu, lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với điều kiện gia đình để tạo tiền đề phát triển cho các con trong cả quá trình lớn lên và trưởng thành sau này.